I. GIỚI THIỆU
Suy tim, một
vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, là con đường chung của hầu hết các bệnh tim mạch.
Theo thống kê năm 2013 của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA), năm 2009 suy tim có 56410
trường hợp tử vong, ước tính khoảng 5,1 triệu người Mỹ trên 20 tuổi bị suy tim
(2,1% dân số) và từ năm 2013 đến 2030, dự đoán tỉ lệ lưu hành suy tim sẽ tăng
25%(1). Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê về bệnh suất và tử
suất của suy tim.
Trong hai
thập kỷ qua, một số lượng lớn bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn
(heart failure with preserved ejection fraction – HFpEF) đã ít được xem xét. Những
nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có đến 50%
bệnh nhân có triệu chứng suy tim với phân suất tống máu bình thường hay
được bảo tồn. Và HFpEF ngày càng được cộng đồng tim mạch công nhận rộng rãi(2). Bệnh nhân với HFpEF có xu hướng gặp ở người già, tăng
huyết áp, rung nhĩ, ít gặp hơn ở bệnh nhân có bệnh mạch vành(3, 4), nhưng bệnh mạch vành là nguyên nhân nền chủ yếu của
HFpEF, đặc biệt là ở nam(3). Nhìn chung, nữ gặp nhiều hơn nam, với tỉ lệ 2:1. Về điều
trị, trong khi các tiến bộ gần đây đã cải thiện kết quả ở bệnh nhân suy tim giảm
phân suất tống máu (heart failure with reduced ejection fraction – HFrEF), thì
dường như chưa thấy hiệu quả đối với HFpEF. Do đó, HFpEF đã tạo ra những thách
thức cho thầy thuốc lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị. Tỉ lệ lưu hành HFpEF
(dự kiến tăng 1% mỗi năm) tăng tương xứng HFrEF đã làm tăng nhu cầu thông tin để
đánh giá, chẩn đoán và điều trị(3).
II. MỘT SỐ
KHÁI NIỆM
1. Khác biệt
giữa HFpEF, suy tim tâm trương và rối loạn chức năng tâm trương
Rối loạn
chức năng tâm trương nói đến bất thường về chức năng cơ học của cơ tim, bao gồm:
giảm độ đàn hồi thất trái, thư giãn chậm hay không hoàn toàn thất trái và suy
giảm đổ đầy thất trái. Còn suy tim tâm trương là hội chứng lâm sàng có các triệu
chứng và dấu hiệu suy tim, kèm phân suất tống máu thất trái được bảo tồn
(LVEF≥45-50%) và bằng chứng có rối loạn chức năng tâm trương. Hầu hết các bệnh
nhân HFpEF đều có bất thường chức năng tâm trương. Nhưng rối loạn chức năng tâm
trương không phải là cơ chế duy nhất của HFpEF. Những nghiên cứu gần đây cho thấy
một số bất thường khác ở tim và ngoài tim đóng vai trò quan trọng trong sinh lý
bệnh của HFpEF(2, 3).
2. Phân biệt
giữa HFpEF và HFrEF
Hai loại
HFpEF và HFrEF là hai hội chứng trong phân loại suy tim, trên lâm sàng đều có dấu
hiệu và triệu chứng điển hình của suy tim. HFrEF có phân suất tống máu thất
trái (left ventricular ejection fraction) giảm. Còn HFpEF có phân suất tống máu
thất trái bình thường hay giảm nhẹ, thất trái không dãn. Thêm nữa, HFpEF liên
quan đến các bệnh về cấu trúc tim (phì đại thất trái, dãn nhĩ trái) có kèm hoặc
không kèm rối loạn chức năng tâm trương(4, 5). Trong một nghiên cứu phân tích gộp
từ 31 nghiên cứu với 41792 bệnh nhân, cho thấy rằng, bệnh nhân với HFpEF có tỉ
lệ tử vong thấp hơn so với bệnh nhân với HFrEF bất kể tuổi, giới tính và nguyên
nhân suy tim(5).
III. CHẨN ĐOÁN
1.
Biểu hiện lâm sàng
Suy tim nói chung đều có biểu hiện
cơ năng gồm: khó thở, giảm sức chịu đựng khi gắng sức, khó thở khi nằm, khó thở
kịch phát về đêm; các biểu hiện thực thể: nhịp tim nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, tiếng
T3, ran ở phổi, dịch chuyển tiếng đập mỏm tim, gan to và khó thở. Tiền sử tăng
huyết áp, rung nhĩ phổ biến ở bệnh nhân HFpEF, trong khi bệnh mạch vành phổ biến
ở bệnh nhân HFrEF. Khó thở khởi phát nhanh với tăng huyết áp rõ rệt, đặc biệt ở
phụ nữ lớn tuổi, phổ biến hơn ở HFpEF.
2.
Cận lâm sàng
Điện tim nên
được làm ở tất cả bệnh nhân nghi ngờ suy tim. Một số bất thường phổ biến ở bệnh
nhân HFpEF là rung nhĩ, phì đại tâm thất và bất thường tâm nhĩ trái.
X-quang ngực được làm thường quy để xác định tắc
nghẽn mạch máu phổi và tim to. Dấu hiệu tắc nghẽn phổi gồm: tăng khoảng kẽ, đường
Kerley B, tràn dịch màng phổi cho thấy có tăng áp tĩnh mạch phổi và tăng áp nhĩ
trái. Bóng tim to ở bệnh nhân HFpEF phản ánh phì đại thất trái do quá tải áp suất
lâu ngày. X-quang ngực cũng quan trọng để loại trừ chẩn đoán khác, như viêm phổi.
“Siêu âm
tim là công cụ hữu ích nhất trong đánh giá bệnh nhân suy tim”, theo hướng dẫn của
ACC/AHA. Trong siêu âm tim, khi phân suất tống máu thất trái lớn hơn 45-50% thì
phù hợp với HFpEF.
Chỉ dấu
sinh học peptid natri niệu BNP và N-terminal pro-BNP (NT-proBNP) là xét nghiệm
hữu ích để chẩn đoán tăng áp lực đổ đầy tâm trương ở cả hai loại suy tim HFrEF
và HFpEF. BNP và NT-proBNP nhạy trong HFrEF, chúng cũng tăng trong HFpEF mặc dù
ít hơn. NT-proBNP dường như tốt hơn BNP ở bệnh nhân suy tim cấp có phân suất tống
máu bảo tồn, bởi vì BNP có độ âm tính giả lên đến 20% ở bệnh nhân HFpEF và
không tương quan với triệu chứng. BNP và NT-proBNP giảm đáng kể ở bệnh nhân béo phì. BNP tăng
theo tuổi và thường cao ở phụ nữ(2). NT-proBNP có giá trị >450pg/ml ở bệnh nhân <50 tuổi,
>900pg/ml ở bệnh nhân >50 tuổi có độ nhạy và độ chuyên biệt cao ở bệnh
nhân suy tim cấp tại khoa cấp cứu(6).
Các xét
nghiệm thường quy gồm công thức máu toàn phần đánh giá thiếu máu, điện giải huyết
thanh, creatinin, glucose, chức năng gan và tổng phân tích nước tiểu. Rối loạn
chức năng thận và rối loạn điện giải (như Kali) thường gặp khi sử dụng các thuốc
lợi tiểu, thuốc đối kháng hệ renin – angiotensin – aldosterol và digitalis
trong điều trị suy tim.
Như vậy,
điều kiện để chẩn đoán HFpEF gồm có: thứ nhất có dấu hiệu hoặc/và triệu chứng
suy tim; thứ hai chức năng tâm thu thất trái bảo tồn (phân suất tống máu
≥45%-50%), thứ ba có bằng chứng rối loạn
chức năng tâm trương, tăng áp lực đổ đầy thất trái, hoặc dấu hiệu thay thế rối
loạn chức năng tâm trương thất trái, như: phì đại thất trái, dãn nhĩ trái, rung
nhĩ hoặc tăng peptid natri niệu huyết
tương(3).
IV. ĐIỀU TRỊ
Điều trị
HFpEF tập trung vào giảm các triệu chứng tắc nghẽn phổi và phù ngoại biên bằng
cách cải thiện huyết động gây ra bởi tăng sức căng thành tâm thất. Điều này
liên quan đến những bệnh nhân rung nhĩ nhịp nhanh và giảm tiền tải và hậu tải bằng
cách điều trị tăng huyết áp và quá tải thể tích. Mục tiêu khác là giảm tỉ lệ tử
vong.
Giảm tiền tải với lợi tiểu và dãn mạch
là trụ cột điều trị nhằm giảm các triệu chứng sung huyết, bao gồm khó thở và
phù ngoại biên.
1.
Dãn mạch là trị liệu đầu tay ở hầu hết bệnh nhân HFpEF cấp
tính
Nitrat
tiêm tĩnh mạch kết hợp furosemide có thể cải thiện cung lượng tim và triệu chứng
suy tim. Nitroglycerin làm giảm các triệu chứng phù phổi cấp bằng cách giảm tiền
tải và dãn mạch ở các bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nitroglycerin đường
dùng tốt nhất là tiêm mạch. Ban đầu tốc độ truyền 10mcg/phút có thể tăng đến
300mcg/phút để đạt được hiệu quả mong muốn. Khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg
thì không nên tăng liều. Nitroglycerin cũng có thể dùng đường uống hoặc hít. Các
thuốc dãn mạch làm giảm hậu tải và việc giảm thể tích nhát bóp gần như chắc chắn
do giảm thể tích tâm trương thất trái. Các hiện tượng này liên quan đến sự cứng
tâm thất – động mạch trong HFpEF (một cơ chế mới được tìm hiểu gần đây). Cần cẩn
trọng khi tiêm thuốc dãn mạch cho bệnh nhân HFpEF cấp tính không có huyết áp
tăng.
2.
Lợi tiểu quai (furosemide, bumetanide, torsemide) là thuốc
lợi tiểu được dùng phổ biến nhất trong điều trị HFpEF
Liều nên
điều chỉnh theo đáp ứng lợi tiểu và để giảm các triệu chứng sung huyết.
Thiazide hoặc spironolactone có thể kết hợp với furosemide liều thấp cũng có thể
tăng hiệu quả lợi tiểu mạnh mẽ. Liều dùng lợi tiểu cho bệnh nhân sung huyết nhẹ
và mới khởi phát HFpEF thấp hơn nhiều so với bệnh nhân có HFpEF mãn tính hay rối
loạn chức năng thận. Cũng cần lưu ý điều chỉnh liều thuốc lợi tiểu khi độ lộc cầu
thận giảm. Nhiều bệnh nhân với HFpEF cấp tính tăng thể tích tuần hoàn không
đáng kể. Thật vậy, nâng áp suất làm đầy hay tiền tải không phải lúc nào cũng
tăng thể tích tuần hoàn và những bệnh nhân với HFpEF thường có thể tích thất
trái cuối thì tâm trương bình thường hoặc thấp. Vì vậy, việc dùng lợi tiểu tích
cực ở những bệnh nhân này có thể gây hạ huyết áp đáng kể.
3.
Điều trị tăng huyết áp lâu dài
Tăng huyết
áp làm trầm trọng thêm độ cứng và thư giãn cơ tim thông qua cơ chế tăng hậu tải
và căng thành cơ tim. Tăng huyết áp cấp tính cũng làm trầm trọng thêm tính thư
giãn cơ tim và tăng áp suất làm đầy dẫn đến triệu chứng sung huyết. Nó cũng góp
phần làm tái cấu trúc và phì đại cơ tim thông qua kích hoạt neurohormon bao gồm
hệ renin–angiotensin–aldosteron. Việc lựa chọn thuốc chống tăng huyết áp tùy
thuộc vào bệnh kèm theo. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) làm giảm chỉ số
khối thất trái lớn nhất so với các thuốc hạ áp khác. Tuy nhiên, các thử nghiệm
lâm sàng không cho thấy lợi ích giảm tử suất rõ ràng của ARBs so với các thuốc
hạ áp khác, mặc dù ARBs dường như làm giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim.
Trong thử nghiệm CHARM-Preserved, candesartan có một tác động trung bình trong
phòng ngừa nhập viện ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu thất trái trên
40%(7). Trong nghiên cứu PARAMOUNT, ở bệnh nhân HFpEF, thuốc LCZ696
(dual-acting angiotensin receptor-neprilysin inhibitor) làm giảm NT-proBNP mức
độ lớn hơn valsartan ở tuần 12 và cũng dung nạp tốt(8).
4.
Kiểm soát nhịp tim và tần số tim
Ở bệnh
nhân HFpEF kèm rung nhĩ, việc khôi phục lại nhịp tim bình thường và duy trì nhịp
xoang giúp cải thiện triệu chứng, nhưng kết quả không rõ ràng(3). Hầu hết các trường hợp HFpEF có rung nhĩ, kiểm soát tần
số tim là một chiến lược ban đầu hợp lý và được thực hiện bằng các thuốc chẹn
nút nhĩ thất, như thuốc chẹn kênh calci nondihydropyridine (diltiazem hay
verapamil) và chẹn beta. Tiêu chuẩn trong kiểm soát tần số tim tùy theo độ tuổi
nhưng thường là nhịp thất từ 60-80 lần/phút lúc nghỉ và 90-115 lần/phút lúc luyện
tập. Sốc điện ngay lập tức khi không thể kiểm soát kịp thời bằng thuốc trong
các trường hợp rung nhĩ mới khởi phát và thiếu máu cục bộ cơ tim, có triệu chứng
hạ huyết áp, triệu chứng sung huyết phổi hay đáp ứng thất nhanh (3). Nói chung, bệnh nhân HFpEF thường xuyên gặp nhiều yếu tố
nguy cơ nghẽn mạch huyết khối. Và dù chiến lược kiểm soát tần số tim và nhịp
tim được chấp nhận, kháng đông vẫn được khuyến nghị. Cô lập tĩnh mạch phổi và
bong tách rung nhĩ là kỹ thuật hứa hẹn làm giảm sự xuất hiện rung nhĩ ở bệnh
nhân suy tim.
5.
Các thuốc làm tăng co bóp cơ tim không được chỉ định
trong HFpEF
Ở
những bệnh nhân ngoại trú có suy tim tâm trương từ nhẹ đến trung bình với nhịp
xoang bình thường có dùng thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu, sử dụng
digoxin không liên quan đến bất kỳ hiệu quả nào trong tử suất tim mạch hay suy
tim(9).
Hiện tại chưa có bằng chứng lâm sàng cho thấy việc sử dụng
các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin, chẹn beta và đối kháng
aldosteron làm cải thiện tử suất và bệnh suất ở HFpEF. Điều trị thuốc đối với HFpEF
tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát huyết áp và kiểm soát tần số tim.
Yếu tố làm nặng hơn trong suy tim mất bù tương tự nhau giữa
HFpEF và HFrEF, bao gồm: không cân nhắc chế độ ăn, dùng thuốc kháng viêm
non-steroid, loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ), tăng huyết áp, thiếu máu hay
nhồi máu cơ tim, chức năng thận suy giảm, bệnh van tim, lạm dụng rượu và nhiễm
trùng.
Bệnh nhân nên theo dõi cân nặng bản thân hằng ngày, chú ý
sự tăng cân đột ngột. Theo Dietary Guideline for Americans 2010, khuyến cáo ở bệnh
nhân tăng huyết áp, suy thận mạn, đái tháo đường, người trên 51 tuổi nên hạn chế
lượng muối ăn khoảng 3,8g/ngày. Tập thể dục điều độ, hợp lý rất tốt cho tim mạch.
Các bằng chứng gần đây cho thấy cấu trúc tim và áp suất đổ đầy có thể tăng bằng
cách tập thể dục.
Yếu tố
nguy cơ tử vong ở HFpEF gần như tương tự HFrEF, bao gồm tuổi tác ngày càng
tăng, nồng độ peptid natri niệu, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy chức thận
mạn, bệnh mạch vành, phân độ suy tim theo NYHA cao, giới tính nam và mô hình làm đầy giới hạn
(restrictive filling pattern) trên siêu âm tim Doppler. BMI thấp quá hay cao
quá cũng là yếu tố nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân HFpEF.
Để phòng ngừa sự trầm trọng hơn trong suy tim, thầy thuốc
nên giáo dục bệnh nhân nhận ra các dấu hiệu giữ nước như tăng cân, phù chân và
cảm giác đầy bụng. Thầy thuốc cũng nên nhấn mạnh với bệnh nhân tầm quan trọng của
chế độ ăn giảm muối và sự tuân thủ điều trị, đặc biệt là điều trị tăng huyết
áp.
Những bệnh nhân HFpEF nên xem xét nhập viện là: huyết động
học không ổn định, tình trạng suy hô hấp cấp, có các bệnh kèm theo (suy thận cấp,
loạn nhịp tim, rối loạn điện giải nặng, bằng chứng thiếu máu cục bộ cơ tim), bệnh
nhân kém tuân thủ điều trị hay tình trạng bệnh nhân xấu đi khi đang điều trị
ngoại trú.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chân thành cảm ơn mọi góp ý của các bạn!