Ở tuổi 60, sắp thôi làm quản lý BV nhi khoa đầu ngành, GS Nguyễn Thanh Liêm coi đây là cơ hội vàng, là thời gian “chín” cho nghiên cứu khoa học (KH). Niềm say mê mà từ bấy lâu nay, ông vốn chỉ có những buổi tối, những ngày cuối tuần để làm. Con gái GS Liêm đặt cho ông biệt danh “workaholic” - người nghiện việc. Bởi dù đã làm việc ở cơ quan cả ngày, tối 12 giờ đêm ông vẫn thức đọc tài liệu, viết các bài nghiên cứu KH của mình.
Trong 10 năm trên cương vị GĐ BV Nhi TƯ, vừa quản lý, vừa làm chuyên môn, vừa nghiên cứu KH. Làm thế nào để có đủ thời gian cho những công việc quan trọng ngang nhau như vậy thưa ông?
- BV Nhi Roma (Italia) với quy mô 630 giường có một Chủ tịch Hội đồng quản trị, dưới đó có các GĐ chuyên môn, GĐ nhân sự… GĐ Y chẳng hạn, ông ấy có 6 thư ký, nhưng dưới đó lại có các GĐ khu vực. Những người quản lý này đều không làm chuyên môn trực tiếp. So với mô hình làm việc như thế, Ban GĐ BV Nhi TƯ có lẽ phải làm việc nhiều hơn, với bộ máy giúp việc ít hơn. Vì thế, tôi phân quyền rõ ràng cho từng PGĐ. Khi đã phân rồi thì tin tưởng và không can thiệp, trừ khi thấy có dấu hiệu trục trặc.
Tôi nói với anh em trong bệnh viện không muốn tiếp khách ở nhà. Mọi người phải thông cảm, nếu không tôi không còn thời gian cho việc nghiên cứu KH của mình. Lúc riêng tư ấy, tôi tranh thủ đọc tài liệu, viết các bài báo, bởi một công trình xuất bản trên tạp chí nước ngoài không dễ. Những bài báo được đăng trên tạp chí KH như thế có giá trị, được đánh giá rất cao bởi đó là tấm gương phản ánh những bước tiến bộ của KH thế giới. Chính vì phải có hàm lượng chất xám cao nên viết được một bài báo như vậy không dễ. Ba người phản biện các bài báo đó đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới. Một đồng nghiệp của tôi viết 1 bài báo ra nước ngoài, đã sửa 6 lần, lần cuối cùng gửi một GS người Mỹ sửa, vẫn bị tạp chí ở Mỹ trả lại.
Vì sao ông phải “ăn thua” với những bài báo khoa học xuất bản ở nước ngoài thế?
- Bởi với người làm KH, nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá sự thành công của họ làm tìm được ra cái mới, hay hơn, ưu điểm hơn. Mà thế giới đi nhanh lắm. Cái gì người ta hôm nay không làm được thì ngày mai làm được. Như phẫu thuật nội soi, trước đây phải làm qua 3 đường rạch, giờ đã chỉ còn 1 đường rạch. Hay phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ trước đây mổ 3 đường rạch đã rất khó nhưng đọc báo, thấy Trung Quốc đã bắt đầu làm, mình phải làm theo ngay. Hay ở Mỹ, người ta mổ phình đại tràng bẩm sinh qua 1 đường rạch cách đây 1 năm. BV Nhi TƯ mình vừa làm, tưởng là nước thứ 2 thực hiện kỹ thuật này, nhưng đọc tài liệu đã thấy Trung Quốc công bố kết quả, vậy mình là thứ 3 mất rồi. Như vậy, mình dừng lại thì sẽ lạc hậu, mà nếu không chịu lạc hậu, thì phải tìm cái gì hay hơn, ưu điểm hơn thế.
Năm nay ông đã 60 tuổi, nhưng nghe “khẩu khí” của ông, tham vọng trong khoa học vẫn còn rất mạnh mẽ?
- Ở nước ngoài, tuổi 60 mới là độ chín cho nghiên cứu khoa học đấy. Bạn hãy nhìn lại xem, các nhà khoa học đạt giải Nobel đều là những mái đầu bạc, hom hem chứ mấy ai đang là “đầu xanh”! Ngay ở nước Nga, Tổng thống Putin vừa ký sắc lệnh từ 1.1.2013 độ tuổi về hưu là 70, trừ Tổng thống.
Vậy thưa GS, kế hoạch trong 10 năm tương lai tới của ông là gì?
- Làm sao giữ được vị trí số 1 về nội soi nhi khoa, đó là câu hỏi của tôi trong thời điểm này. Tôi sắp không làm quản lý nữa. Với nhiều người sẽ rất sốc, nhưng với tôi không làm quản lý nữa không có nghĩa là không còn đam mê nghiên cứu. Tôi luôn nghĩ rằng, ngày mai ta có thể làm tốt hơn ngày hôm nay. Đề án triển khai nội soi nhi khoa bằng robot đã được Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc. Nếu được Bộ Tài chính duyệt kinh phí thì kỹ thuật này sẽ sớm được triển khai. Ngoài ra, BV Nhi TƯ cũng đang chuẩn bị ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị teo đường mật kết hợp phẫu thuật. Hiện nay, ở BV Nhi TƯ, mỗi năm có khoảng 100 ca bệnh, nhưng kết quả điều trị bệnh còn rất hạn chế. Bởi sau phẫu thuật, 20-30% bệnh nhân có kết quả tốt, còn lại 70-80% cần được ghép gan. Trong khi đó ghép gan ở trẻ em còn ít lắm, vì thiếu nguồn tạng cho. Vì thế, hướng ghép tế bào gốc để từ đó phát triển thành tế bào gan, tế bào mật sẽ tốt hơn.
Sao ông có thể nghĩ ra nhiều cách làm như vậy?
- Tôi nghĩ ra vì đêm nào cũng nghĩ, lúc nào cũng phải nghĩ liệu ngày mai mình có thể làm gì đó tốt hơn hôm nay không.
Ông đã chuẩn bị cho lớp kế cận có thể tiếp nối được những thành tựu của BV Nhi TƯ như hiện nay chưa?
- Tôi vẫn nói với anh em, mình muốn khẳng định thì phải làm cái gì mới. Ở tuyến TƯ, BV Nhi có lợi thế gặp được những ca bệnh hiếm gặp với tần suất nhiều hơn, có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại thì cần đi vào các bệnh hiếm gặp. Khi đã tìm được hướng điều trị những căn bệnh này thì lại phải chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới và tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới. Tre già măng mọc, đó là quy luật muôn đời. Tôi biết có những ông thầy khi mổ chỉ để điều dưỡng phụ mổ. Nhưng tôi thì không giấu gì anh em, họ muốn học hỏi gì, tôi đều chia sẻ.
GS Liêm và BS Roberto De Castro (người đã mổ cho bé Thiện Nhân) bên phòng mổ. |
Nhắc đến BV Nhi TƯ, dường như người ta chỉ nhắc đến GS Liêm mà chưa nói đến một cái tên thứ 2 nào. Trên cương vị làm quản lý, ông có thấy đó là thiếu sót của chính mình?
- Bản thân tôi, đến lúc nào đó, kỹ năng cũng sẽ thua mọi người. Trong BV, nhiều anh em hiện nay cũng đã có kỹ năng tốt. Nhưng họ có đam mê, sáng tạo học hỏi được gì mới, được quốc tế công nhận lại không dễ. Bản thân họ phải tự nuôi dưỡng cho mình trước đã. Người khác chỉ có thể ảnh hưởng chứ không thể truyền được. Vì sao, ở nước ta mổ nội soi người lớn rất nhiều nơi đã làm được, nhưng thế giới ít biết đến. Có lẽ do ta vẫn lặp lại điều người ta đã làm và có quá ít công bố quốc tế. Tôi cũng hiểu, với kinh tế thị trường hiện nay, một BS đi theo hướng mổ thêm nhiều ca, có nhiều tiền bồi dưỡng hơn và nhẹ nhàng hơn là lao vào nghiên cứu những ca gai góc phức tạp chẳng được gì cả, ngoài... danh tiếng ở đâu xa ấy.
Xin cảm ơn ông và chúc ông tiếp tục gặt hái thành công trong nghiên cứu KH!
GS Nguyễn Thanh Liêm, đã có 24 công trình nghiên cứu về phẫu thuật nội soi trẻ em được công bố quốc tế, đặc biệt đã nghiên cứu đề xuất 7 kỹ thuật mổ hoàn toàn mới mà trên thế giới chưa ai thực hiện. Với cụm công trình phẫu thuật nội soi này, GS Liêm đã được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao. Ngoài các học trò ở trong nước, nhiều BS từ Italia, Đài loan, Malaysia, Philippines... đã đến Việt Nam xin ông hướng dẫn. Ông đã được mời đi giảng bài tại nhiều trường ĐH danh tiếng ở Mỹ, Nhật Bản, Italia, Australia, ở nhiều hội nghị quốc tế; được mời viết sách giáo khoa về phẫu thuật Nhi xuất bản tại Anh và Mỹ. GS Liêm cũng đã được mời mổ trình diễn ở nhiều nước, là GS thỉnh giảng và kiêm nhiệm của nhiều trường ĐH lớn trên thế giới. Ông được tặng Giải thưởng Nhân tài đất Việt của báo Dân trí và 1 trong 50 người tiên phong do độc giả báo điện tử Vnexpress bình chọn năm 2012. |
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Chân thành cảm ơn mọi góp ý của các bạn!