Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG VÀ NGHIÊN CỨU CƠ BẢN VIỆT NAM NÊN CHỌN CÁI NÀO?

GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan
Đối với các nước kĩ nghệ phương Tây, nghiên cứu cơ bản, và những tri thức sản sinh từ nghiên cứu cơ bản là động lực phát triển kinh tế. Điều đó không có gì phải bàn cãi, vì đã có rất nhiều chứng cứ khoa học cho mối quan hệ đó. Nhưng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nghiên cứu cơ bản có thể xem là một xa xỉ.
Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng
Trước hết, cần phải minh định những khác biệt chính giữa hai mô hình nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Về động cơ, có thể nói rằng tất cả hoạt động trong nghiên cứu cơ bản chỉ nhắm vào mục tiêu tri thức chứ không có gì khác hơn. Có những nhà khoa học tiêu ra cả đời chỉ để theo đuổi tìm hiểu cấu trúc của một phân tử, mà họ có khi không biết thông tin đó sẽ ứng dụng cho cái gì. Còn nghiên cứu ứng dụng thì có động cơ chính là ứng dụng tri thức, biến đổi hoặc cải tiến phương pháp, hay giải quyết một vấn đề thực tế. Do đó, sản phẩm của nghiên cứu cơ bản là tri thức mới mang tính lí thuyết và dữ liệu mới, nhưng đối với nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm là những công trình nghiêng về ứng dụng những tri thức hiện hành để có những kết quả cho một mục đích cụ thể. Do đó, nghiên cứu cơ bản, một cách chung, là nền tảng của nghiên cứu ứng dụng. Để bào chế thuốc dùng cho điều trị bệnh, nhà khoa học cần phải biết rõ cơ chế hoạt động của các thành phần hoá học trong thuốc, và nắm chắc bệnh lí.

Để có những kiến thức về cơ chế và bệnh lí, cần phải có nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu. Trong thực tế, có những lĩnh vực nghiên cứu nằm giữa lằn ranh của hai loại khoa học, và rất khó phân nhóm khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng. Ngày nay, ở các nước phương Tây, người ta hay nói đến một dạng nghiên cứu có tên là translational research (có thể tạm dịch là nghiên cứu tịnh tiến), là những nghiên cứu chuyển giao tri thức từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng trong thực tế. Rất nhiều nước tiên tiến và đang phát triển khuyến khích theo đuổi các dự án nghiên cứu tịnh tiến.
Nên dành ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng là một đề tài tranh cãi dai dẳng trong nhiều thập niên, ngay cả ở những nước đã phát triển. Vấn đề còn tranh cãi xoay quanh tầm quan trọng của hai hình thái nghiên cứu: nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng quan trọng hơn? Đánh giá tầm quan trọng như thế nào? Đã có rất nhiều chứng cứ khoa học cho thấy nghiên cứu cơ bản là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các nước phương Tây. Rất nhiều các sản phẩm "thống trị" toàn cầu của các nước đã phát triển đều là những thành tựu của nghiên cứu cơ bản của vài thập niên trước. Nhưng nghiên cứu cơ bản đòi hỏi một sự đầu tư tương đối lớn và lâu dài, nhưng lợi ích thì khó có thể thấy trong một thời gian ngắn.
Nhưng cũng cần phải ghi nhận một thực tế là có rất nhiều (con số có thể lên đến 95% hay cao hơn) nghiên cứu cơ bản hoặc sai, hoặc không bao giờ được chuyển giao thành nghiên cứu ứng dụng hay được chuyển giao thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế. Gần đây có một thống kê cho thấy chỉ có khoảng 5% các phát hiện từ nghiên cứu cơ bản công bố trên các tập san danh tiếng như Science, Nature, Cell, v.v. được chuyển giao thành ứng dụng thực tế lâm sàng; phần còn lại 95% hoặc là sai, hoặc không thể lặp lại, hoặc thất bại. Do đó, các nước đang phát triển thường ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản.
Ngay cả ở các nước kĩ nghệ, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản có khi cũng là đề tài công chúng quan tâm. Khoảng 3 năm trước đây, ở Mĩ có một cuộc tranh luận gay gắt xảy ra trong giới khoa học là có nên tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản quá nhiều như hiện nay. Câu chuyện được đưa ra để làm "chất liệu" cho tranh luận là một nhóm nghiên cứu được tài trợ khá nhiều tiền để nghiên cứu về … bộ phận sinh dục của vịt! Đó là một nghiên cứu thuộc loại khoa học cơ bản. Người chống những nghiên cứu cơ bản như thế cho rằng đó là một minh hoạ cho sự vô dụng của khoa học cơ bản, và trong thời "gạo châu củi quế" thì phải hạn chế tài trợ cho những nghiên cứu như thế, mà tập trung vào nghiên cứu có ích hơn. Người bênh thì nói đó là một mô hình nghiên cứu rất hay về ảnh hưởng của tiến hoá, biết được tại sao dương vật và âm vật của vịt có hình dạng đặc thù như ngày nay là một câu trả lời có thể quan trọng cho con người!
Người viết bài này cho rằng việc ưu tiên cho dạng nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng tuỳ thuộc vào trình độ khoa học – công nghệ hiện hành và định hướng tương lai. Đối với các nước đã xây dựng được cơ sở vật chất khoa học tốt, người ta có thể ưu tiên cho khoa học cơ bản để duy trì tính tiên phong của họ. Đó là chính sách chung ở các nước kĩ nghệ bên Âu Mĩ và các nước mới nổi như Hàn Quốc và Singapore. Ngay cả ở các nước trong vùng như Thái Lan và Mã Lai, người ta khởi đầu với chiến lược ưu tiên cho khoa học ứng dụng, và khi năng lực khoa học đã được định hình như hiện nay, người ta bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản. Xu hướng này thể hiện rất rõ qua những thống kê về công bố quốc tế của Thái Lan và Mã Lai trong 40 năm qua. Tôi đã xem qua những con số này và thấy 30 năm trước, tỉ lệ bài báo khoa học ứng dụng của Thái Lan và Mã Lai là gần 90%, nhưng trong 5 năm gần đây thì con số này giảm xuống còn 65%, phần còn lại là nghiên cứu cơ bản.
Xây dựng năng lực khoa học là ưu tiên hàng đầu
Đối chiếu lại tình hình Việt Nam, có thể nói rằng đại đa số nghiên cứu hiện nay là thuộc khoa học ứng dụng. Trong thời gian 5 năm qua (2010 – 2014), Việt Nam công bố được 8124 bài báo khoa học (không tính 1189 bài trong ngành toán) trên các tập san khoa học quốc tế trong danh mục ISI. Trong số này, chỉ có 281 bài (3.5%) liên quan đến sinh học phân tử. Trong cùng thời gian, Mã Lai công bố được 42,464 bài, và trong số này có gần 10% là liên quan đến sinh học phân tử và 23% liên quan đến các lĩnh vực khoa học cơ bản về vật lí và hoá học. Cố nhiên, đây chỉ là những con số rất "thô", vì chưa hẳn những công trình về sinh học phân tử là nghiên cứu cơ bản, hay những công trình mang tên giống khoa học cơ bản có thể là nghiên cứu ứng dụng. Những nhìn chung, những con số này cho thấy mức độ hoạt động khoa học cơ bản của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong vùng.
Hiện nay, Việt Nam đứng hạng 68 (trong số 236 quốc gia) trên thế giới về công bố quốc tế. Về tần số trích dẫn (một chỉ số phản ảnh một phần về chất lượng nghiên cứu) Việt Nam đứng hạng 65, so với Thái Lan (hạng 40), Malaysia (47) và Singapore (30). Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khoa học Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài vì “nội lực” còn quá kém. Thật vậy, chỉ có 20% ấn phẩm là do nội lực, còn 80% các công trình công bố quốc tế là do hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Những công trình "đình đám" mà báo chí nhắc đến gần đây thật ra là do các nhà khoa học nước ngoài chủ trì. Trong khi đó, các nước như Mã Lai và Thái Lan thì tỉ lệ nội lực của họ lên đến 50%, tức ngang hàng các nước tiên tiến như Úc và Hàn Quốc.
Do đó, theo tôi, một ưu tiên hàng đầu của khoa học Việt Nam là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu ứng dụng là một môi trường, một phương tiện rất tốt để nâng cao năng lực khoa học. Xin nhắc lại và nhấn mạnh rằng khi viết "nghiên cứu ứng dụng", tôi không có ý đề cập đến những cải biên hay sử dụng những công nghệ mua từ nước ngoài, mà tôi muốn nói đến nghiên cứu nguyên thuỷ triển khai từ những kiến thức nghiên cứu cơ bản, hoặc nghiên cứu tịnh tiến. Qua các nghiên cứu ứng dụng, nhà khoa học có thể tiếp cận với các kĩ thuật và công nghệ nghiên cứu cơ bản ở nước ngoài.
Bốn yếu tố để xây dựng năng lực khoa học
Làm gì để nâng cao năng lực khoa học ở Việt Nam? Đây là một câu hỏi lớn, đòi hỏi nhiều nghiên cứu nghiêm chỉnh mới có thể cho ra một câu trả lời đáng tin cậy. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế ở một số nước đang phát triển, cá nhân tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi trên nằm ở 4 yếu tố: (i) con người; (ii) chất lượng khoa học; (iii) môi trường khoa học; và (iv) tổ chức và quản lí.
Nghiên cứu khoa học, cũng như bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, bắt đầu từ con người, cụ thể ơn là từ các nhà khoa học. Uy danh của một nền khoa học được xây dựng trên một tập thể những nhà khoa học có uy tín và có "tên tuổi" trên trường quốc tế. Họ là thành phần ưu tú (hay elite) trong cộng đồng khoa học, đóng vai trò lãnh đạo và đề ra viễn kiến, định hướng nghiên cứu, và chuyển gia thành quả nghiên cứu đến kĩ nghệ. Con người là yếu tố và cũng là điều kiện số 1 để xây dựng và thúc đẩy một nền khoa học có cơ may phát triển bền vững. Ở nước ta hiện nay, số nhà khoa học hạng elite cấp quốc tế còn rất ít. Theo dữ liệu từ Viện thông tin khoa học Hoa Kì (ISI), con số nhà khoa học Việt Nam có chỉ số H trên 20 chưa đầy 20 người. Hiện nay, rất nhiều nghiên cứu trong các ngành khoa học thực nghiệm (như y và sinh học) là do "ngoại lực", vì số thật sự "thuần Việt" chỉ chiếm chưa đầy 10% trên tổng số. Những dữ liệu trên đây cho thấy nhân sự khoa học của Việt Nam chưa đủ mạnh và dày để tạo một động lực cho phát triển bền vững.
Nghiên cứu khoa học không thể phát triển và khó có thể đạt phẩm chất cao nếu không tạo được một môi trường khoa học và văn hoá khoa học lành mạnh. Đó là môi trường tôn trọng sự thật khách quan, không câu nệ chủ nghĩa giáo điều, hay thành kiến dân tộc; phải có tự tin và sáng tạo, không máy móc đi theo đường mòn, không làm theo sách vở một cách máy móc; luôn luôn tìm tòi học hỏi; hợp tác và các nhà khoa học và ở một số người, biết lãnh đạo theo những nguyên tắc dân chủ văn minh. Môi trường khoa học còn mang tính kế thừa, chuẩn bị cho một thế hệ tiếp nối. Không có kế thừa, khoa học sẽ là đi vào bế tắc rất nhanh.
Hiệu năng của nghiên cứu khoa học có thể phụ thuộc lớn vào mô hình tổ chức và phân bố ngân sách nghiên cứu. Người viết bài này tin rằng mô hình tổ chức khoa học có hiệu quả cao là mô hình không tập trung. Xu hướng hiện nay là tổ chức khoa học theo "mô hình ngang", mà theo đó nhiều lab nghiên cứu tương tác với nhau trong một chương trình nghiên cứu. Với mô hình này, không cần những lab lớn, mà nhiều lab nhỏ nhưng mức độ tương tác giữa các lab phải cao. Cách chọn đề tài nghiên cứu cần phải dựa vào những chuẩn mực khoa học, và quan trọng là các tiêu chuẩn phải minh bạch. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động rất khác với doanh nghiệp; do đó, mô hình quản lí khoa học của doanh nghiệp rất khó áp dụng cho khoa học. Quản lí khoa học phải tối thiểu hoá các thủ tục hành chính. Nên trao quyền tự chủ cho nhà khoa học trong việc quản lí tài chính và thu dụng nhân sự. Ưu tiên cho khoa học nào?
Bất cứ học thuyết xã hội nào cũng nhất trí một điều là nếu một quốc gia muốn trở thành một “diễn viên” đáng chú ý trên trường quốc tế, thì nghiên cứu khoa học và phát triển (R&D) đóng một vai trò then chốt. Bắt chước người khác, bán sản phẩm và công nghệ của người khác, hoặc gia công cho người khác có thể đem lại vài hiệu quả ngắn hạn, nhưng không thể là nền móng cho phát triển về lâu về dài. Người ta phân biệt người bắt chước với người sáng tạo qua khả năng phát triển công nghệ và các sản phẩm tri thức. Sản phẩm tri thức và sáng tạo được hình thành từ những nghiên cứu khoa học. Do đó, nghiên cứu khoa học đóng một vai trò cực kì quan trọng trong công cuộc đưa đất nước chuyển biến sang một nền kinh tế tiên tiến. Singapore, Đài Loan, và Hàn Quốc, và Trung Quốc không thể phát triển như ngày nay nếu không có chiến lược đầu tư lâu dài cho nghiên cứu khoa học. Bài học từ các nước này là khả năng sáng tạo trong khoa học và công nghệ là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của một nước. Trong sự phát triển ở các nước vừa kể có sự đóng góp quan trọng của kiều bào họ. Một thống kê gần đây cho thấy 72% giám đốc các lab nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia Trung Quốc là do các chuyên gia Hoa kiều hồi hương đảm trách. Ở Hàn Quốc, tính đến năm 2010, gần 40% giáo sư và nhà khoa học trong các đại học Hàn Quốc là Hàn kiều hồi hương hoặc từng du học.
Nếu kinh nghiệm từ các nước như Hàn Quốc và Đài Loan là một bài học, chúng ta có thể suy đoán rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển như họ, với sự hợp tác của giới khoa học người Việt ở nước ngoài. Ở thời điểm này, có thể nói nhà nước và người Việt ở nước ngoài đã gặp nhau tại một giao điểm: ước nguyện làm cho Việt Nam phát triển nhanh chóng và ổn định. Nhưng vấn đề còn lại là làm sao biến chính sách và ước nguyện thành hiện thực, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài tham gia vào công cuộc kĩ nghệ hóa đất nước. Chính sách và những lời nói hoa mĩ chưa đủ, mà cần phải có một cơ chế thông thoáng và cụ thể, một sự đổi mới về tư duy là nền tảng cho những bước đi cụ thể kế tiếp.
Quay lại vấn đề dành ưu tiên cho hình dạng khoa học nào, tôi cho rằng Việt Nam chưa ở một trình độ khoa học lí tưởng để dành ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản. Nước ta đang đối đầu với nhiều vấn đề thực tế và bức xúc [mà các nước đang phát triển khác đang trải qua] như ô nhiễm môi trường, sức khoẻ người dân, và các vấn đề xã hội. Cùng như nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế, đó là những vấn đề đặt ra nhiều câu hỏi cho nghiên cứu ứng dụng. Trong tình hình hiện nay ở nước ta, thật khó lí giải dành ưu tiên cho các công trình [chỉ là ví dụ] nghiên cứu bộ phận sinh vật của con vịt, hay theo đuổi một protein mà khả năng ứng dụng trong vòng 30 năm chưa rõ ràng. Tôi tin rằng ở các nước đang phát triển, nên ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, và khi năng lực nghiên cứu đã ổn định thì sẽ tập trung vào nghiên cứu cơ bản.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Chân thành cảm ơn mọi góp ý của các bạn!